“Vỡ mộng” đầu tư bất động sản tại Long An

140

Sau một thời gian tăng trưởng “nóng”, thị trường bất động sản Long An đang cho thấy nhiều bất ổn do phát triển thiếu kiểm soát.

Nhà đầu tư “sa lầy” ở dự án

Chị N.T.Y. (ngụ tại quận 10, TPHCM) mua hai căn nhà phố liền kề tại Dự án Trần Anh Riverside (Bến Lức, Long An), trị giá trên 1,4 tỷ đồng/căn từ năm 2017. Tháng 5/2018, Dự án đã hoàn thiện phần thô, chị Y. muốn bán một căn hộ đã mua để thu tiền về, nhưng sau 4 tháng nhờ nhân viên môi giới cũng như tự chào bán, mà vẫn không có khách.

“Cuối cùng, tôi phải chấp nhận lỗ để bán. Nhiều khách hàng mua nhà tại Dự án cũng lâm vào cảnh ngộ như tôi”, chị Y. nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, dù đã được mở bán và tiến hành xây dựng từ cuối năm 2017, nhưng đến tháng 3/2019, Dự án Trần Anh Riverside mới được Sở Xây dựng Long An công bố đủ điều kiện mở bán theo diện dự án hình thành trong tương lai.

Dù đã được mở bán và tiến hành xây dựng từ cuối năm 2017, nhưng đến tháng 3/2019, Dự án Trần Anh Riverside mới được Sở Xây dựng Long An công bố đủ điều kiện mở bán theo diện dự án hình thành trong tương lai.

Dù đã được mở bán và tiến hành xây dựng từ cuối năm 2017, nhưng đến tháng 3/2019, Dự án Trần Anh Riverside mới được Sở Xây dựng Long An công bố đủ điều kiện mở bán theo diện dự án hình thành trong tương lai

Một dự án khác cũng khiến nhà đầu tư “sa lầy” là Bella Vista tại Khu công nghiệp Đức Hòa III (huyện Đức Hòa) do Công ty CP Hồng Đạt – Long An mở bán từ năm 2016. Theo quảng cáo, dự án này có diện tích 70 ha, có bến du thuyền, kênh nội khu, công viên, khu vui chơi… Giá bán khởi điểm chỉ hơn 460 triệu đồng/nền đất 5 x 20 m. Chủ đầu tư cam kết sau 26 tháng ký hợp đồng sẽ có sổ đỏ cho khách hàng. Tới nay, đã quá 26 tháng, khách hàng đã đóng trên 90% giá trị hợp đồng mà vẫn không nhận được sổ đỏ. Dự án cũng không có những tiện ích như quảng cáo, mà chỉ có hệ thống đường nội khu.

Thực tế, dự án này nằm trong đất khu công nghiệp, chưa chính thức được chấp thuận chuyển đổi sang đất dự án bất động sản, nhưng chủ đầu tư đã tự ý phân lô ra bán cho khách.

Trong khi đó, dự án “đình đám” Khu đô thị Trung tâm hành chính tỉnh Long An cũng khiến nhiều nhà đầu tư “vỡ mộng”.

Năm 2009, tỉnh Long An có kế hoạch xây dựng trung tâm hành chính tập trung tại TP. Tân An, nơi trục đường Quốc lộ 1A chạy qua, do Tập đoàn Đồng Tâm Long An xây dựng. Sau đó, chủ đầu tư này xây dựng một dự án rộng hơn 70 ha tại đây, làm hạ tầng và bán cho khách hàng với các sản phẩn như nhà phố thương mại, đất nền phân lô… Nhưng đến nay, Dự án vẫn chỉ là một khu đô thị cỏ mọc um tùm, những dãy nhà phố thương mại xây dựng xong bị bỏ hoang…

Mới đây nhất, hai dự án Thiên Phúc Hoàng Gia và Hưng Thịnh Cát Tường (huyện Đức Hòa), đã được bán hết từ năm 2017 – 2018, bị khách hàng phát hiện ra chỉ là các dự án “ma”. Chủ đầu tư tự “vẽ” dự án trên đất nông nghiệp để bán và đang bị chính quyền xử lý.

Nguy cơ bong bóng do thiếu kiểm soát

Thị trường bất động sản Long An bắt đầu hồi phục từ năm 2014 trở lại đây. Với lợi thế giáp TPHCM, Long An lọt vào “tầm ngắm” của nhiều nhà đầu tư bất động sản, trong đó có không ít “tên tuổi” lớn.

Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, thị trường vẫn chỉ có những dự án nhỏ, phân lô bán nền, hoặc được quy hoạch nhà phố thương mại… do các doanh nghiệp nhỏ của tỉnh đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Asian Holding cho rằng, thị trường bất động sản Long An nhiều tiềm năng, nhưng phát triển theo hướng tự phát và đang dần mất kiểm soát. Thực tế, các dự án đã mở bán từ năm 2015 tới nay đa phần đều không có dân sinh sống, hạ tầng giao thông xuống cấp, cỏ dại mọc…

“Thực tế này đã cho thấy phần nào về sự phát triển nóng của thị trường bởi những chiêu trò thổi giá. Hậu quả là khách hàng phải chịu trận”, ông Hậu nói.

Năm 2018, tỉnh Long An đã đưa ra nhiều cảnh báo và xử phạt một số doanh nghiệp sai phạm trong phát triển dự án bất động sản như Dự án Phúc An City của Công ty CP Bất động sản Trần Anh Long An, vì xây dự án khi chưa được cấp phép; Dự án Trần Anh Riverside của chủ đầu tư này cũng từng bị đình chỉ xây dựng vì chưa hoàn thiện pháp lý…

Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TPHCM cho rằng, tình trạng phát triển dự án bất động sản thiếu bền vững tại Long An mang đến nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và khách hàng cũng là tình trạng chung của nhiều tỉnh, thành phố phía Nam hiện nay.

Các chủ đầu tư đua nhau chạy theo “cơn sốt” của thị trường, bán hàng khi chưa được cấp phép bằng các hợp đồng sang nhượng, góp vốn trái luật. Khách hàng mua xong nhưng không thể xây dựng, dự án bị bỏ hoang, còn doanh nghiệp thì chấp nhận đóng tiền phạt lãi suất cho khách hàng…

“Điều này hết sức nguy hiểm, vì sẽ đẩy thị trường vào tình trạng ‘bong bóng’. Ngoài ra, quy hoạch của tỉnh cũng sẽ bị phá nát từ những dự án không người ở, không pháp lý này”, ông Phượng cảnh báo.

Trước tình trạng này, ông Mai Văn Nhiều, Chánh văn phòng UBND tỉnh Long An cho biết, trong các giao dịch bất động sản tại Long An hiện nay, chủ đầu tư thường ký với khách hàng “hợp đồng nguyên tắc”, “hợp đồng góp vốn’, “hợp đồng đặt cọc”…, nên chưa có quy định rõ ràng để xử lý. Do đó, UBND tỉnh Long An đang tiến hành rà soát lại các dự án vi phạm và sẽ có hướng đề xuất phương án xử lý lên các bộ, ngành để quản lý chặt chẽ hơn tình trạng chuyển nhượng bất động sản tràn lan trên địa bàn.

Gia Huy/Đầu tư Bất động sản