Xuất hiện tâm lý hoãn mua nhà do dịch Covid-19 trên thị trường bất động sản

147

Dịch Covid-19 đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp đang khiến tâm lý nhiều người mua nhà, đặc biệt là mua nhà trả góp trở phải cân nhắc kỹ hơn khi xuống tiền.

Trao đổi với chúng tôi, một số sàn giao dịch trên địa bàn Hà Nội cho biết kể từ sau đợt giãn cách xã hội hồi tháng 4/2020 thị trường BĐS vừa có dấu hiệu phục hồi giao dịch thì đợt dịch bùng phát lần 2 kể từ cuối tháng 7 vừa qua tiếp tục khiến cho thị trường BĐS bị ảnh hưởng.

Hiện nay, đa phần nhà đầu tư bất động sản đều ở trong giai đoạn quan sát, ưu tiên giữ tiền mặt. Dịch bệnh đã khiến hầu hết các phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, đất nền các tỉnh vốn sôi động nay trở nên trầm lắng, giao dịch theo đó cũng khiêm tốn, cơ hội lướt sóng của nhà đầu tư không còn.

“Hiện nay, phân khúc BĐS đang có vấn đề về pháp lý lại bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh nên đã không còn hấp dẫn nữa. Đất nền các tỉnh cũng khó tăng trong bối cảnh hiện nay. Dù đã rục rịch tìm kênh đầu tư từ đầu năm nhưng tôi vẫn chưa thấy chỗ nào khả quan. Tôi dự định vẫn để tiền trong ngân hàng chờ thêm diễn biến của dịch bệnh”, bác Thành một nhà đầu tư BĐS tại Hà Nội cho biết.

Cùng với sức mua đầu tư giảm, đại diện các sàn giao dịch cũng cho biết nhiều người có nhu cầu mua nhà thật cũng cân nhắc hơn do lo ngại về thu nhập. “Dịch bệnh diễn biến phức tạp, kinh doanh khó khăn đã khiến nhiều người mua nhà vay ngân hàng cảm giác chùn tay”, anh Cường, trưởng phòng kinh doanh một sàn giao dịch BĐS tại Hà Đông cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, chị Mai Ngân đang có ý định mua một căn chung cư trả góp khu vực Nam Từ Liêm cho biết vợ chồng chị đều là công nhân viên chức, thu nhập chủ yếu dựa vào lương. Hiện nay tình hình dịch bệnh phức tạp không biết sắp tới có bị cắt giảm lương không. Chính vì thế, dù đã tìm hiểu kỹ một dự án chung cư trả góp tại quận Nam Từ Liêm nhưng vợ chồng chị vẫn chưa vào tiền.

Không được may mắn như chị Ngân, đầu năm 2019 gia đình anh Hòa (Hà Đông) đã mua trả góp căn hộ cao cấp khu vực Thanh Xuân hồi. Thời điểm ấy, dự án có chính sách cho vay mua nhà lên tới 70% nên dù không đủ tiền gia đình anh vẫn vay mượn thêm ngân hàng để mua nhà.

“Từ đầu năm đến nay dịch bệnh xảy ra, lương của tôi bị giảm, trong khi buôn bán của vợ cũng ngưng trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng tiền lãi và gốc hàng tháng vẫn phải đóng đầy đủ. Hiện gia đình tôi không còn khả năng trả nợ ngân hàng đúng hạn. Tôi đã liên hệ với ngân hàng để làm đơn đề nghị, hy vọng sẽ được ngân hàng giãn thời hạn trả nợ, giảm phần nào lãi suất”, anh Hòa cho biết.

Quan sát trên thị trường có thể thấy, trên các trang mua bán rao vặt bắt đầu xuất hiện những nhà đầu tư chấp nhận bán lại suất đầu tư với giá mềm hơn trước để sớm đẩy được hàng, một số khách mua nhà trả góp do mất khả năng thanh toán bắt đầu bán cắt lỗ căn hộ chung cư kèm gói vay ngân hàng trả góp.

Theo đại diện các sàn giao dịch, tình hình dịch bệnh diễn biến càng phức tạp giao dịch sẽ càng trầm lắng. Đặc biệt, tháng 7 âm lịch (tháng cô hồn) sắp tới cũng sẽ tiếp tục tác động đến tâm lý  thị trường. Như vậy, ít nhất trong gần 2 tháng tới việc mua bán hầu như không còn khả quan.

Tuấn Minh/Nhịp sống kinh tế